Thứ Hai, 24 tháng 5, 2010

Giới thiệu ván cờ hay : "Đích lô phi khoái"

Photobucket

Ván cờ "Đích Lô Phi Khoái" hay phong cách đánh cờ đầy nghệ thuật của vua cờ tướng vùng Hoa Bắc,"Đông Bắc Hổ" Triệu Quốc Vinh



Đỏ:Hứa Ngân Xuyên tiên thua
Đen:Triệu Quốc Vinh


Trong hoài niệm của rất nhiều người có lẽ thời kỳ rực rỡ nhất của kỳ đàn Trung Quốc từ trước tới nay chính là thời kỳ “Chiến quốc tranh hùng” đầy ly kỳ và bi tráng trong khoảng 15 năm kể từ năm 1980 cho đến năm 1995. Đó là thời kỳ xuất hiện nhiều bậc anh hùng tài nghệ vô song thi nhau chiếm giữ đỉnh cao Trung Quốc với vô vàn những ván cờ đã trở thành giai thoại.Hoa Đông có Hồ Vinh Hoa là phượng hoàng tái thế.Hoa Nam có Lĩnh Nam song hùng Lữ Khâm,Hứa Ngân Xuyên khiến người người kính nể.Trung nguyên có kỳ vương Liễu Đại Hoa và Tiếu Diện Phật Từ Thiên Hồng.Hoa Bắc có Kỳ Thánh Lý Lai Quần.Dưới núi Trường Bạch có Đào Hán Minh và xa hơn về mạn Đông Bắc gió rét quanh năm thì xuất hiện mãnh hổ Triệu Quốc Vinh.Liên tiếp người lên,kẻ xuống,không ai có thể độc bá võ lâm.Nếu nói về năng lực,phong cách thì rất khó phân biệt ai cao ai thấp hơn ai nhưng nhìn chung trong con mắt của những người hâm mộ cờ và yêu cờ nồng nhiệt thì tất cả bọn họ đều là những anh hùng hào kiệt thực sự, đã một đời cống hiến cho cờ,vì cờ mà đã bỏ bao tâm huyết nghiên cứu,lý luận và đưa vào thực chiến để đưa cờ vươn lên đạt một tầm cao mới.

1.P2-5 M2.3
2.M2.3 P8-6
3.X1-2 M8.7

Thời kỳ những năm cuối thập kỷ 90 là thời kỳ tung hoành thiên hạ của cặp đôi huynh đệ Lĩnh Nam song hùng nổi tiếng của cờ tướng Hoa Nam.Kể từ khi Hà Bắc Ngọc Kỳ Lân là Lý Lai Quần gác kiếm năm 1992 khi vẫn đang còn ở đỉnh cao phong độ đã khiến cho giang hồ phong ba,mở đầu cho thời kỳ xưng bá sau này của song hùng Nam phương.Trong giai đoạn kể trên,không sư huynh Lữ Khâm thì sư đệ Hứa Ngân Xuyên thay nhau ngồi ở ngôi vị minh chủ.Trong tất cả các giải đấu họ tham gia cặp đôi này luôn luôn được xem là mạnh nhất.Mặc cho sự phản kháng mãnh liệt của kỳ đàn cả nước thì song hùng vẫn là song hùng hô phong hoán vũ.”Khoáng thế Kỳ vương” Hồ Vinh Hoa tài nghệ là vượt đời tuy đã đôi lần tái xuất kích bại được họ nhưng dẫu sao vẫn không thể chế ngự được khí thế anh hùng của Nam phương.Trung nguyên lưỡng vị kỳ vương là Liễu Đại Hoa và Từ Thiên Hồng người trầm,kẻ lắng,phong độ trồi sụt coi như khó thể nào cạnh tranh.Mạn bắc có Song hổ oai trấn với Triệu Quốc Vinh và Đào Hán Minh tâm lực tuy đủ nhưng vận thế không xuôi dù gắng sức cũng chỉ là cố công mà không có hậu.

Tuy nhiên trong mùa xuân năm 1999,khi giải cờ tướng quán quân Trung Quốc cúp Ngũ Dương Bôi lần thứ 19 theo thông lệ được tổ chức,đã đánh dấu sự trở lại đầy bất ngờ và oanh liệt của Triệu Quốc Vinh khi ông hạ bệ được cả Lĩnh Nam song hùng để sau đó rộng đường đoạt cúp.Chiếc cúp Ngũ Dương đầu tiên của đời ông.Trong ván đấu có tính chất quyết định trong vòng 6 có ảnh hưởng rất lớn tới ngôi vô địch mùa giải năm đó,Hứa Ngân Xuyên của Quảng Đông đối đầu với “Đông Bắc Hổ” Triệu Quốc Vinh của miền Đông Bắc khiến cho người xem vô cùng háo hức chờ đợi cuộc thư hùng Nam Bắc đầy màu sắc truyền kỳ này.Khai cục trong 3 nước đi đầu tiên hình thế rất quen thuộc, đơn giản,dễ hiểu không có gì là cao siêu.Tuy nhiên sau này khi kể lại,Hứa Ngân Xuyên cho rằng đó là sự thất bại về chiến thuật của Hứa khi anh hoàn toàn không nghĩ rằng Triệu Quốc Vinh sẽ tiến trận bằng Phản Cung Mã để chống lại Pháo đầu vì thế trận hậu thủ này gần như Triệu đại sư chẳng bao giờ dùng đến.Mặt khác cũng trong năm 1998,Hứa Ngân Xuyên trong ván đấu cuối cùng với “Bố cục chuyên gia” của Hà Bắc là Diêm Văn Thanh khi đó đang dẫn đầu giải đã từng chiến thắng oanh liệt trước Phản Cung Mã của danh thủ này và lần thứ 3 lên ngôi bá chủ cờ Trung Quốc.Do đó có thể thấy Triệu Quốc Vinh dùng Phản Cung Mã tuy đơn giản mà không đơn giản chút nào.

4.B3.1 B3.1
5.M8.9 T7.5
6.P8-7 X1-2
7.X9-8 P2.4
8.B7.1 ...

Dù có chút bất ngờ nhưng với tài nghệ của mình Hứa Ngân Xuyên vẫn tin tưởng sẽ giành chiến thắng sau cùng để tiếp tục cuộc đua.Tình hình lúc này là Triệu Quốc Vinh đang dẫn đầu giải sau 5 vòng thì 2 thắng 3 hoà.Còn Hứa Ngân Xuyên thì hoà cả 5 ván nên trong cuộc đối đầu sinh tử tay đôi này Hứa Ngân Xuyên chỉ có cách chiến thắng trước Triệu tướng mới mong giành cúp.Nếu Triệu Quốc Vinh chọn lối chơi chắc chắn,bảo toàn lợi thế điểm số có thể vẫn sẽ dẫn đầu nhưng thực chiến Triệu Quốc Vinh lại đi chọn lấy 1 lối chơi có phần phiêu lưu,mạo hiểm hơn,dường như có ý tranh thắng trước Hứa Ngân Xuyên chứng tỏ vốn đã có hùng tâm và lòng quả cảm,lại có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt đấu pháp và tinh thần thi đấu,dám ra mặt đương đầu với cái khó trong cái mới của kiến thức.Có lẽ đó mới chính là bản lĩnh của 1 kỳ vương thực sự chăng ?.Hứa Ngân Xuyên bình rằng: Sở dĩ nước thứ 8 Hứa chọn nước biến phế song binh tuần hà Xe không hẳn là theo bài bản thuộc lòng mà thực tình Hứa muốn xem Triệu đại sư sẽ đánh ra chiêu nào mới.Tâm lý cơ hồ với Hứa Ngân Xuyên là có sự tò mò bị kích thích.Kỳ vương Lữ Khâm sau trận cũng nói rằng nếu Hứa đi B9.1,Triệu Quốc Vinh sẽ đi S6.5 trước sau gì sẽ dẫn đến hoà cuộc.

8... B3.1
9.B3.1 B7.1
10.X2.4 P2-3
11.X8-9 (!) ...

Sau khi Hứa tiến Xe tuần hà đoạt Tốt.Triệu Quốc Vinh lập tức bình Pháo vào đè Phào nhằm Tượng ngay chính là một nước biến đã được cải tiến. Đó là việc một đại cao thủ phải tiên liệu được và một đại cao thủ khác sẽ phải làm nếu muốn mưu cầu tranh chiến.Hứa Ngân Xuyên tin rằng Triệu đại sư sẽ không đi biến cũ vì theo Hứa nếu bên đen,ngựa cũ quen đường mà đi B3-2 ắt bên tiên B9.1 sau có thủ đoạn đấu Xe phế Tượng bên đỏ chiếm tiên cơ. Để đối phó với ý đồ đoạt tiên của Triệu Quốc Vinh,Hứa Ngân Xuyên liền áp dụng nước biến phi đao X8-9 rất tâm đắc của riêng mình.Tiếng là chạy Xe thất tiên nhưng kỳ thực lại là đoạt tiên từ cái không có. Đó là vô chiêu mà thắng hữu chiêu.Thật là hay và sâu sắc !.Còn nhớ tại cuộc Thanh Đảo hội chiến năm 1993 khi đó Hứa Ngân Xuyên mới có 18 tuổi đã đánh bại đại sư Diêm Văn Thanh cũng đúng bằng chiêu thức phi đao này để rồi sau đó đã lần đầu tiên xưng vương ở kỳ đàn Trung Quốc.Lại nữa,vào mùa đông năm 1997,trong giải giao hữu cờ tướng thường niên giữa Quảng Đông và Thượng Hải,Hứa Ngân Xuyên đại diện cho Quảng Đông giao chiến danh thủ Lâm Hoành Mẫn của Thượng Hải đã áp dụng chiêu này và kích bại được đối thủ mang về thắng lợi cho đoàn Quảng Đông.

11...P6.4
12.X2-7 M3.4
13.B5.1 P6-7(!)

Triệu Quốc Vinh thấy Hứa Ngân Xuyên đi cờ đơn giản chưa tạo ra mâu thuẫn lớn nên cũng nhẹ nhàng đối phó lại bằng cách vươn Pháo mình qua hà thiết lập một hệ thống phòng thủ từ rất xa,sau lại nhảy Mã bàn hà là điều bắt buộc.Hứa Ngân Xuyên trông trận hình,dựa theo cơ mẫn cho rằng Triệu Quốc Vinh sẽ chơi bình ổn và không có ý đồ tranh thắng nên quyết định sẽ kéo dài cục diện giằng co.Với Hứa Ngân Xuyên việc nắm chắc biến hoá của các biến chính tiếp theo không khó.Cái khó là chọn cái nào để chiến thắng.Nếu dùng chiêu thức quen thuộc đi X7-6 chặn Mã trước có lẽ sẽ rất dễ dẫn đến hoà hoặc giả như mãnh công đi B5.1 trổ cờ,đánh trống đem quân qua sông thì tình hình phức tạp khó đoán nhưng “nước đục mò cá” mới có nhiều khả năng chiến thắng.Rõ ràng trong tâm lý của Hứa là có sự tranh đấu đáng kể rồi.Hứa Ngân Xuyên tính toán định giăng ra một cái bẫy mà ban đầu thoạt nhìn vào đối thủ sẽ cho là rất quen thuộc nhưng thật tình lại ẩn chứa sự tinh xảo bên trong,đợi cho đối thủ quen đường xông tới rồi từ từ khép chặt.Ai ngờ mọi dự kiến của Hứa đã đổ bể.

Chính Hứa Ngân Xuyên kể rằng tới nước 13 sau khi Triệu đại sư đi P6-7 mà không đi X2.5 đổi Xe,Hứa Ngân Xuyên đã có cảm giác như chính mình mới là người bị phục kích (?!).Nên nhớ lúc này Triệu Quốc Vinh lại đã mấy năm ở Nhật Bản,với các kỹ thuật mới mẻ trong khai cục chắc có phần xa lạ.Còn Hứa Ngân Xuyên tuy tuổi còn rất trẻ nhưng lại là người có rất nhiều am hiểu và thành tựu trong việc nghiên cứu tìm ra các biến chiêu mới rất lợi hại dựa trên nền tảng của các khai cục kiểu cũ.Khi Triệu đại sư đi quân xong,Hứa Ngân Xuyên lập tức dừng lại,thư giãn và thả lỏng tinh thần,tự nhủ với lòng mình rằng bắt đầu từ đây đến hết ván chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc hỗn chiến kịch liệt không có đường trở về nữa !

14.T3.1 P3-6
15.B5.1 M4.5
16.X7-4 M5.3
17.X4/1 P7-1(!)
18.M9/8 X2.8
19.X9.2 M3.4 (!)
20.P5.4 M7.5
21.X4-9 X2.1
22.Xt-7 M5.3

Quả nhiên như Hứa Ngân Xuyên dự đoán,với công lực trung cuộc thâm hậu của mình,“Đông Bắc Hổ” Triệu Quốc Vinh sau khi đem quân qua sông thực sự mong muốn cầu chiến nên đánh rất thẳng tay,tích cực xung phong phản kích mạnh mẽ.Nước thứ 17,Triệu Quốc Vinh bay Pháo mình đánh Tốt biên bắt Xe đã mở ra 1 cục diện đối công hoàn toàn mới.Từ đây tình hình có lẽ đã có chút thay đổi nhỏ,bên tiên từ chỗ bình ổn,chỉ công không thủ giờ lại chuyển thủ thay công.Thật đúng là càn khôn đảo ngược, đổi sắc phong vân !.Hứa Ngân Xuyên trong tình cảnh đó không có cách nào hay hơn là phải thoái Mã mời đổi.Nếu Triệu Quốc Vinh đổi quân lập tức rơi vào hạ phong do đó Triệu đại sư tiến Xe ép Mã là lẽ tất nhiên phải làm. Đến đây nhiều người hâm mộ nói rằng Hứa Ngân Xuyên đã mất tiên thế trận chông chênh,dễ vỡ.Tuy nhiên trong cuộc trả lời phỏng vấn sau đó,Hứa Ngân Xuyên nói rằng đến nước 19,bên đỏ vẫn có 2 cách đi đều dùng được.Hoặc đi X9.2 hoặc đi X4-7.Hứa Ngân Xuyên bình luận:”Nếu đi X4-7 tất Triệu đại sư sẽ đi M3.1 phục thí Pháo thoái Mã sát cục ,bên Hứa buộc phải dùng Xe đổi đôi dẫn đến hoà cờ.Còn như cách 2 là X9.2,biến hoá phức tạp,thắng thua còn chưa biết trước”.Thực chiến Hứa Ngân Xuyên đã chọn cách thứ 2,thể hiện rõ ràng tinh thần quyết đấu của các bậc đại sư hàng đầu thiên hạ. Đến đây người ta cho rằng Triệu Quốc Vinh ắt phải đổi quân rồi mới tính tiếp nào đâu Triệu đại sư vốn có tính toán cao siêu giờ lại can đảm hơn người,kiên quyết bỏ quân nhảy Mã phá thành khiến cho người xem không khỏi giật mình kinh sợ.

”Mã tắc đích lô phi khoái.Cung như phích lịch huyền kinh”.Công phu đánh cờ của mãnh hổ vùng Đông Bắc một khi đã xuất quan thì thật vẫn rất vô cùng thú vị và đáng xem !.Bây giờ đứng trước tình cảnh trớ trêu bên đen ngang nhiên thí Mã,rõ ràng Hứa Ngân Xuyên rất khó xử.”Tiến bất năng công,thoái bất năng thủ”.Hứa tính toán hồi lâu quyết định không ăn Mã mà mở Pháo đầu quật lên tìm đường đánh trả.Sau này Hứa Ngân Xuyên giải thích rằng nếu mà đi Tg5-6 ăn Mã ngay tất Triệu Quốc Vinh đi P1-2,cờ đỏ sẽ thua.

23.Tg5-6 M3.5(!)
24.X7.1 M5.7
25.T1/3(?) X2/3
26.X9.4 X2-4
27.Tg6-5 X9-8
28.M3/5 X4.2
29.X9/3 M7.8
30.X7-4 B7.1 (!)

Sau 23 hiệp giao tranh dẫn đến một cục diện khá hấp dẫn.Bên hậu dựa vào hình thế mà dẫn dắt đã bẻ gãy hệ thống phòng thủ của bên tiên khiến cơ hội chia đều cho cả hai.Xét về thế và lực có thể nhận xét đại thể là cân bằng.Hứa Ngân Xuyên và Triệu Quốc Vinh sau này cũng đồng quan điểm đó khi nhận xét về tình hình ván cờ khi đó.Hứa Ngân Xuyên tin tưởng dù cho hậu phương suy yếu nhưng nhận định lực quân đối phương chưa đủ,với thế cục đó bên đỏ sẽ không thua.Do bên đen tả Xe chưa xuất,bên đỏ lại có Tốt giữa độ hà nên nếu trong trường hợp Triệu đại sư ý chí thụt lùi tiện tay đi X2/4,Hứa chỉ cần nhấc X9-6 sau đi B5-6 chắc chắn định yên thiên hạ.Tuy nhiên “xuân phong đắc ý, tuấn mã thuần thanh” Triệu Quốc Vinh quả nhiên lợi hại không có ý rút Xe về thành mà tức tốc bay Mã vượt sông quyết liều tử chiến.Sau đó tiếp tục giao tranh,Hứa Ngân Xuyên nhất thời mắc phải sai lầm thoái Tượng (T1/3) về thủ mất đi cơ hội vây hãm Mã đen bên Triệu.Kỳ thánh Lý Lai Quần cho rằng Hứa Ngân Xuyên đã đi phải nước yếu và bị động vì nước cờ thoái Tượng này nhìn như có vẻ chắc chắn,kín đáo nhưng thực ra là vô nghĩa.Kỳ thánh phân tích rằng giả sử như bên Triệu Quốc Vinh có tiến Mã đạp tượng chăng nữa,Hứa chỉ cần đi M3/5 phục chuyển Xe lộ 9 sang lộ 3 bắt Mã,bên đen lập tức khó tìm đường tháo chạy.Tiếp tục biến hoá có thể thành hoà.Hiện thời do đối phó không chính xác khiến cho bên tiên tình cảnh khốn đốn,lâm vào hạ phong thấy rõ.Bên đen nắm chắc cơ hội đã từng bước công thủ,liên hoàn xuất được tả Xa chẳng khác nào song long xuất hải,thế mạnh vô cùng.Nước thứ 30,Triệu Quốc Vinh thừa cơ thúc Tốt qua sông,căn bản đã tạo thành thế thắng.

31.X4/3 B7.1
32.X9-6 X4-3
33.X4-3 S6.5
34.T3.5 X8.3
35.X6.2 X3/2
36.T5/3 X3/1
37.X6/3 X8.3
38.X6-1 B9.1
39.X1-7 X3-5
40.X7-5 X5-6
41.M7.5 M8/9
42.B5.1 B7.1
43.X3-1 X8.3
44.B5.1 T3.5 (tiên nhận thua)

Hứa Ngân Xuyên cảm nhận nguy cơ ngày một đến gần nhưng vẫn dốc lòng phòng thủ không chịu buông cờ.Kiên trì bám trụ quyết tìm ra khe hở của đối phương để mà khai thác.Tuy nhiên Triệu Quốc Vinh,mãnh hổ vùng Đông Bắc,một khi đã nắm được tiên cơ thì thủ pháp vô cùng cẩn trọng,sâu sắc,tinh tế,ra tay một lần là thành công. Đường cờ vững vàng,kinh nghiệm,kình phong thì giấu kín,sát khí chẳng lộ ra ngoài,trù tính cơ mật chu toàn và không có kẽ hở.Biết chắc đối phương mang nặng tâm lý cầu hoà nên Triệu Quốc Vinh chỉ từ từ áp dụng sách lược chắc chắn,vận quân khép chặt vòng vây là đủ thắng.Nước thứ 34,Triệu tiến Xe hàng Tốt phục X8-6 chiếm Nhị thượng lộ lần thứ 1.Nước thứ 35,thoái Xe chiếm Nhị thượng lộ lần thứ 2.Hứa Ngân Xuyên buộc bay Tượng đề phòng,lại ngầm ẩn thủ đoạn thoái Xe mời đấu hoà hoãn tình thế.Nước 37,Triệu tiến Xe giữ Tốt khoá chặt mọi cửa ra của Hứa.Nước 38,linh cơ nhất động mở binh biên đề phòng Hứa âm mưu cứu Tốt.Các nước 39,40 lại tránh đấu Xe giữ lại biến hoá do bên tiên đã vỡ Sĩ có lợi trong song Xe sát cục.Nước 41,quay Mã chém Tốt,nhất cử lưỡng dụng,vừa là diệt trừ hậu hoạ vừa lại thông đường cho Tốt mình tiến sang.Nước 42,tiến binh đuổi Xe có lợi cho công thế.Nước 43,bỏ Mã tiến Xe bắt Tượng,hết sức tinh tế.Nước cuối cùng bay Tượng chém Tốt phá tan hoàn toàn âm mưu đánh úp của Hứa Ngân Xuyên.

Đến đây bên tiên hết lực,công thủ không còn rốt cuộc cũng phải ký giấy đầu hàng.Triệu Quốc Vinh chiến thắng oanh liệt đặt nền tảng lớn cho việc đoạt được chiếc cúp Ngũ Dương Bôi lần thứ 19 đầy danh giá sau đó vài ngày từ tay Lĩnh Nam song hùng,thể hiện được bản sắc anh hùng,hào khí xung thiên của một vua cờ nổi tiếng của cả một vùng Hoa Bắc.Sau sự kiện này 9 năm sau cũng tại Quảng Đông,” Đông Bắc Hổ” Triệu Quốc Vinh đã lại ruổi ngựa sa trường lập lên kỳ tích đánh bại song hùng Nam phương tại giải cá nhân Trung Quốc năm 2008 và sau đó đã lên ngôi quán quân toàn quốc lần thứ 4 khiến cho kỳ đàn Trung Quốc được một phen sửng sốt.

1 nhận xét:

  1. Hehe bóc tem ! Mặc dù Triệu thua Hứa nhiều, lâu lắm mới thắng được 1 ván, nhưng những ván thắng đó đều phải nói là kinh điển :))

    Trả lờiXóa